Tìm ra điểm giới hạn
Photo by Chinh Le Duc / Unsplash

Tìm ra điểm giới hạn

Tôi quỳ xuống dưới sàn, chống tay xuống đất và thở dốc.

Tôi cảm thấy thực sự đã rất mệt. Toàn bộ phần chân và tay mỏi rã rời - cảm giác như không còn một chút sức lực có thể kéo tôi đứng dậy được nữa.

Mồ hôi vã ra như tắm, chảy thành từng dòng ở cổ, lưng và cánh tay. Từng giọt mồ hôi chảy từng giọt xuống dưới mặt đất thô nhám.

Tôi nghĩ tôi đã đạt đến điểm giới hạn của cơ thể. Liệu tôi có nên dừng lại ngay lúc này?

...


Khoảng 6 năm về trước tôi biết đến Cross Fit và cảm thấy rất ấn tượng bởi bộ môn này.

Không đơn thuần chỉ là tập tạ trong phòng gym, đây là bộ môn phối hợp của nhiều loại hình bao gồm cả cardio lẫn strength với cường độ rất cao. Ví dụ: trong vòng 45-60 phút, bạn có thể phải hoàn thành 100 vòng kết hợp, với mỗi vòng phải có đủ 3 hoạt động nâng đẩy tạ, chạy cardio và chống đẩy.

Nhiều người bạn tôi lúc đó thường hoài nghi về việc một đứa con gái người mảnh khảnh như tôi lại đi tập bộ môn nặng như thế này. Trên thực tế, thời gian luyện tập bộ môn này đã thay đổi cách tôi suy nghĩ về điểm giới hạn của bản thân mình:

Giới hạn của con người thường đến từ suy nghĩ

Lớn lên trong một gia đình, bạn có thể bị đóng khung trong một số khuôn mẫu xã hội về việc mỗi người trong chúng ta nên trở thành người như thế nào, bao gồm việc đạt được kỳ vọng của người thân và chuẩn mực của xã hội.

Chuẩn mực xã hội đôi khi là một giới hạn vô hình được đặt trong suy nghĩ của bạn. Bạn có thể chỉ cần cố gắng đạt được đến điểm đó thôi thì đã được coi là tốt rồi.

Nhưng câu hỏi đặt ra là:

  • Liệu chuẩn mực của xã hội hay của gia đình có phải là chuẩn mực mà bạn mong muốn?
  • Bạn đã bao giờ nghĩ bạn có thể đi xa và rất xa hơn nữa, và bứt phá bản thân ra khỏi điểm giới hạn bạn nghĩ bạn đang có?

Một điều tôi học được khi lớn lên trong một gia đình ở tầng lớp trung lưu có học thức cao nhưng kinh tế không khá giả ở Hà Nội đó là bố mẹ tôi không mong gì hơn ngoài việc tôi nên 1) học trường tốt 2) nghề nghiệp bình thường thôi nhưng phải ổn định và 3) lấy chồng.

Thực ra mong muốn của họ là tốt. Chẳng có gì sai khi mong muốn như vậy bởi đó là khuôn mẫu của xã hội về "sự an toàn và ổn định".

Nhưng điều đó tạo ra một cái bẫy về suy nghĩ.

Có thể các bạn đã nghe về khái niệm "Middle-income level trap" (Bẫy thu nhập trung bình) để nói về nền kinh tế.

Tuy nhiên cũng tương tự như vậy với khả năng và giới hạn của con người, bạn có thể đang mắc kẹt trong cái bẫy ở giữa: Không giỏi, cũng không kém. Không giàu, cũng không nghèo. Cuộc sống đều đều nhưng không có gì đột phá.

Tôi luôn cho rằng nếu bạn mong muốn một cuộc sống và sự nghiệp đặc sắc, để tiến lên nhóm dẫn đầu và có những trải nghiệm sống đáng nhớ hơn trong cuộc đời thì việc cần làm là vượt qua rào cản suy nghĩ và không đóng khung giới hạn của bản thân theo chuẩn mực xã hội hay kỳ vọng của người khác.

Bạn không thể biết bạn có làm được việc đó không nếu bạn không thử làm.

Mỗi khi hoàn thành một cột mốc mới, giới hạn bản thân của bạn sẽ thay đổi.

Bạn của ngày hôm nay, khác bạn của ngày hôm qua, và khác bạn của tương lai phía trước.

Việc tìm ra được giới hạn thực sự của bản thân là một mục tiêu tôi đã mất rất nhiều thời gian để rèn luyện và trải nghiệm thông qua những thử thách và cơ hội tôi chấp nhận trong quá khứ.

Và rào cản đầu tiên đó chính là suy nghĩ:

Giới hạn thực sự của bản thân chỉ có thể được tìm ra khi bạn dám thử thách làm điều gì đó mới và tạo cơ hội để vượt qua chính mình.

Khi luyện tập, tôi phát hiện ra mình khoẻ và dẻo dai hơn bề ngoài của chính tôi. Và điều đó được xác nhận về sau khi đi giải mã gen về sức bền. Và cũng trong thời gian này, tôi đã tìm ra được bài học quan trọng thứ 2:

Thành công bền vững đến từ những bước đi nhỏ liên tục, không chỉ từ một vài chiến thắng tạm thời.

Tôi luôn đánh giá đi tập thể dục đều đặn một phần vì nâng cao sức khoẻ, phần nhiều vì rèn luyện tinh thần - một tinh thần không bỏ cuộc.

Có một thứ tôi học được ở Cross Fit khác với đi tập tạ bình thường đó là ở CF, người ta không cố gắng tăng cân nặng của tạ lên thật cao chỉ để nâng lên trong vài giây rồi ném xuống đất.

Trong CF, ai cũng bắt đầu với lượng tạ vừa phải, thậm chí dùng body weight. Nhưng bạn sẽ phải lặp đi, lặp lại các bước luyện tập theo một chu kỳ hàng trăm lần.

Trong 1/3 vòng đầu, bạn sẽ thấy bạn hoàn thành rất nhanh và không gặp nhiều khó khăn. Nhưng càng về sau, vòng lặp lại càng mệt và càng đuối. Những thứ tưởng chừng rất nhẹ nhưng về đường dài cảm thấy như không thể hoàn thành nổi.

Và quy tắc ở đây khiến việc rèn luyện trở nên rất thú vị đó là bạn có thể bắt đầu với mức tạ bạn cảm thấy thoải mái nhất - NHƯNG bạn bắt buộc phải hoàn thành số lượng vòng tập và cố gắng tối đa để không bị chấn thương.

Điều đó dạy cho tôi một bài học rất lớn về "resilience":

Tôi ​phải tiếp tục hoàn thành các vòng dù tôi rất mệt và rất chậm.

Dù chân tay mỏi rã rời, tôi vẫn cố gắng cố gắng thu từng chút ít sức một để hoàn thành từng bước một, từng bước một để xong hết đủ 100 vòng.

Cảm giác việc lặp đi lặp lại những bước tương tự đó cảm giác như dài vô tận.

Và các bạn biết đấy, thực ra cuộc sống cũng như vậy, nhiều lúc chúng ta phải chấp nhận làm đi làm lại những việc nhỏ dù các bạn không thích để đi đến điểm cuối cùng của mục tiêu lớn bạn rất muốn đạt được.

Và qua mỗi lần hoàn thành mỗi vòng như vậy, đạt được những buổi tập với tổng số vòng như vậy, tôi cảm thấy giới hạn của bản thân thực sự đã lên một cấp độ mới mà tôi không ngờ mình có thể làm được.

Bất kỳ lúc nào bạn gặp khó khăn và cảm thấy bất lực, tuyệt vọng và muốn bỏ cuộc. Thì có thể đó chính là thời điểm bạn phải cố gắng đi tiếp, dù đi rất chậm.

Thành công không chỉ đến từ làm việc một mình

Một điều nữa tôi học được đó là tinh thần đồng đội sẽ giúp vượt qua những giai đoạn khó khăn.

Khi tôi tập CF dù thiết kế cho cá nhân nhưng phải hoàn thành theo nhóm nhỏ 2-3 người. Nếu bạn khoẻ hơn và có sức bền cao hơn người khác thì cũng không có nghĩa là bạn sẽ hoàn thành nhanh hơn.

Bởi vì vòng tập có tính luân phiên nhau, đồng đội của bạn làm xong mới đến lượt bạn. Thế nên để hoàn thành, bạn phải cổ vũ và động viên họ để đội bạn hoàn thành đủ.

Đó chính là sự rèn luyện tuyệt vời về leadership và teamwork.

Tôi nghĩ tôi đã đạt đến điểm giới hạn của cơ thể. Liệu tôi có nên dừng lại ngay lúc này?

Tôi muốn dừng lại vì cơ bắp đã quá đau nhức. Nhưng tôi nhìn thấy 2 đồng đội của tôi trong nhóm ngay lúc này.

Họ cũng đang rất mệt. Họ nhìn tôi và kiên nhẫn chờ đợi: "We can do it! Just 15 more rounds...and we're done"

Và tôi cảm thấy vô cùng guilty - bởi vì nếu tôi bỏ cuộc tại đây thì các team members còn cũng sẽ không hoàn thành bài tập.

Tôi không thể làm vậy.

Và thế là tôi thu hết những sức lực còn lại để hoàn thành phần của mình, để 2 team members có thể đi tiếp để tôi có để nghỉ chút ít trước khi đến lượt tôi.

Và sự cố gắng tiếp tục như vậy cho đến hết bài tập.

Khi đi làm, dù bạn có xuất sắc đến đâu, làm dự án lớn bạn sẽ cần đội nhóm. Và bạn không thể đi xa nếu chỉ đi một mình.

Hãy kiên nhẫn và hào hiệp hỗ trợ với team members để đạt được thành tựu lớn hơn chính bản thân bạn.


Trong tuần vừa qua, tôi có dành rất nhiều thời gian để nhìn lại bản thân và và dành thời gian chuẩn bị cho một số ý tưởng mới.

Bản thân tôi cũng đi tìm động lực, và trên con đường đó tôi cũng vấp phải những hoài nghi về bản thân nên tôi quyết định viết newsletter gửi đến các bạn.

Nếu các bạn đang gặp phải những khó khăn tưởng chừng như không vượt qua, biết đâu bài viết này là động lực giúp bạn đi tiếp.

Bạn thích nội dung newsletter này? Hãy giới thiệu cho bạn bè đăng ký và nhận quà sử dụng link giới thiệu của riêng bạn tại đây:

Thương mến,

Anh Thư

EMAIL UPDATES

Growth Insider Newsletter

Subscribe to gain valuable insights on achieving career success and navigating the corporate complexity. Lessons about marketing, content strategy and building a side business.
Great! Please check your inbox and click the confirmation link.
Sorry, something went wrong. Please try again.

Written by

Anh Thu Do